Đa dạng mô hình phát triển nông nghiệp giúp người dân Cát Tân thoát nghèo
Để thay đổi tập quán sản xuất của bà con xã Cát Tân, huyện Như Xuân ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức, phát huy nội lực để phát triển kinh tế gia đình.


Trong 2 năm 2023-2024, xã Cát Tân được Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ 18 con trâu cái sinh sản cho 18 hộ nghèo; 54 hộ được cấp 5.500 gà giống sinh kế. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ vốn để bà con mở rộng và trồng mới diện tích chè, xoài, keo cũng như mở các lớp tập huấn học nghề thú y và nuôi ong, thu hút hơn 100 học viên tham gia. Việc “trao cần câu” giúp các hộ nghèo có sinh kế ổn định, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.
Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ xây dựng thành công các mô hình kinh tế. Một số hộ có trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả, keo, chè. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của gia đình ông Lê Hữu Thái thôn Cát Lợi; mô hình chăn nuôi tổng hợp của hộ ông Nguyễn Văn Linh thôn Thanh Vân; mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Lê Công Đức thôn Cát Xuân…


Với chút vốn liếng sau 8 năm xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, năm 2020 anh Lê Hữu Cường (thôn Cát Lợi) quyết định đầu tư con giống nuôi lợn thương phẩm.
Để mô hình đạt hiệu quả, anh chịu khó tìm tòi qua sách báo, tham quan học tập ở nhiều nơi, đồng thời áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Xây dựng hệ thống hầm biogas, chuồng trại có tường bao quanh cách ly môi trường xung quanh… Nhờ chịu khó, sau lần bán đầu tiên thu được chút lãi, anh tiếp tục mua thêm giống mới để nuôi. Hiện gia đình đang mở rộng quy mô với tổng đàn từ 80 – 100 con.
Cây chè – chủ lực kinh tế mới ở xã Cát Tân
Vốn là vùng đất trồng chè từ những năm 70 của thế kỷ trước, qua thời gian diện tích trồng chè dần thu hẹp do người dân chuyển đổi sang một số cây trồng khác. Những năm gần đây, nhờ đầu ra ổn định, các hộ dân ở thôn Thanh Vân đã chú trọng hơn trong việc trồng, chăm sóc cây chè. Đến nay, thôn có trên 2,15ha chè, thu hút 9 hộ dân tham gia.


Bà Đinh Thị Chi, thôn Thanh Vân, xã Cát Tân cho biết: Nhận thấy cây chè rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi dần những diện tích đất đồi trồng cây kém hiệu quả sang trồng chè tập trung.
Nhờ có kinh nghiệm thâm canh cây chè và được tập huấn các biện pháp kỹ thuật, hơn 20 sào chè của gia đình đều sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao.
Cây chè giờ là cây chủ lực của gia đình nên chúng tôi phấn đấu mở rộng, phát triển cây chè cũng như sản phẩm từ cây chè. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng, trồng thêm mới 10 sào chè, không chỉ để phát triển vùng chè của địa phương mà còn là duy trì phát triển kinh tế cho gia đình.
Nhờ vào cây trồng này, đến nay gia đình bà Chi đã thoát nghèo, mỗi năm cho thu nhập đều hàng trăm triệu đồng và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.


Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông lâm nghiệp và sản xuất chè hữu cơ Thanh Vân, xã Cát Tân: Từ khi thành lập (năm 2022) đến nay, đơn vị đã chú trọng vào việc thu mua, bao tiêu, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu trồng đến chế biến chè đúng quy trình. Đặc biệt, được Tổ chức tầm nhìn thế giới hỗ trợ 2 máy sao và 3 máy vò chè, việc sản xuất chè trở nên thuận lợi hơn.

Hiện nay, chè được trồng chủ yếu là các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với chế biến như: Kim Tuyên, PH8, PH9… Trung bình mỗi năm HTX bán ra thị trường hơn 3 tấn chè, cho doanh thu gần 400 triệu đồng. Với sự nỗ lực của địa phương, chè Thanh Vân được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022.
Bà Hoàng Thị Lương, Chủ tịch UBND xã Cát Tân cho biết, những năm qua thực hiện phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, bám sát tình hình thực tế địa phương triển khai sâu rộng đến cán bộ, hội viên, nông dân.
Cùng với việc xây dựng các mô hình trang trại, gia trại tập trung, địa phương vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất trên cùng một diện tích. Có nhiều hộ gia đình đã tạo công ăn việc làm cho lao động dư thừa của địa phương, đem lại thu nhập các gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm hộ nghèo hàng năm.

Ngoài ra, cũng theo bà Lương, hiện xã tiếp tục duy trì cây chè, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả với hơn 25ha. Khuyến khích các hộ mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng già cỗi, cho thu nhập thấp sang sản xuất chè cao sản… Nhờ triển khai đồng bộ hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa các mô hình sinh kế, đến nay Cát Tân chỉ còn 38 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 49,1 triệu đồng/người/năm.
Nguồn: https://danviet.vn/o-mot-xa-mien-nui-thanh-hoa-dan-dang-co-thu-nhap-tot-hon-nho-loai-cay-trong-quen-thuoc-d1338579.html